Quyết định về độc lập Cách_mạng_Ngoại_Mông_1911

Thân vương Namnansüren

Đến mùa xuân năm 1911, một số quý tộc Mông Cổ nổi bật gồm Thân vương Tögs-Ochiryn Namnansüren thuyết phục Jebstundamba Khutukhtu triệu tập một cuộc họp của các quý tộc và quan viên thần quyền để thảo luận về độc lập, Jebstundamba Khutukhtu chấp thuận. Nhằm tránh nghi ngờ, họ nhân dịp một lễ hội tôn giáo, khi đó sẽ tập hợp các lãnh đạo để thảo luận về sự cần thiết phải tái phân bổ thuế giữa các kỳ. Cuộc họp diễn ra vào ngày 10 tháng 7 và người Mông Cổ thảo luận về việc nên quy phục hay kháng cự ý chí của triều Thanh. Hội nghị trở nên bế tắc, 18 quý tộc quyết định đưa vấn đề vào tay họ. Cuộc họp bí mật diễn ra trên vùng đồi quanh Khố Luân, họ quyết định rằng Mông Cổ cần phải tuyên bố độc lập. Sau đó, họ thuyết phục Jebstundamba Khutukhtu cử một đoàn gồm ba đại diện nổi bật -một quý tộc thế tục, một tăng lữ, và một quan viên thế tục từ Nội Mông- đến Nga để cầu viện.[8]

Phái đoàn đến Sankt-Peterburg mang theo một bức thư ký tên Khutuktu và “bốn hãn của Khách Nhĩ Khách.” Thư cầu viện để chống lại Trung Quốc, bao gồm cả vũ khí, và ngụ ý rằng binh sĩ Nga cần phải chống lại một đơn vị Trung Quốc mà người Mông Cổ cho rằng lúc đó sẽ tiến vào Mông Cổ. Nhằm thuyết phục, người Mông Cổ hứa hẹn nhượng bộ về kinh tế để báo đáp. Bản thân bức thư không rõ ràng về loại hình cụ thể mà người Mông Cổ mong muốn thiết lập với Nga. Nga muốn đưa Ngoại Mông Cổ vào trong phạm vi ảnh hưởng của mình và như một quốc gia vùng đệm để che chắn trước Trung Quốc và Nhật Bản, song chưa từng lập kế hoạch biến Ngoại Mông Cổ thành một bộ phận của đế quốc.[9] Chính phủ Nga quyết định ủng hộ, song bằng ngoại giao thay vì phương thức quân sự, một nền độc lập không đầy đủ cho Mông Cổ mà là tự trị trong Đại Thanh. Tuy nhiên, họ tăng cường canh giữ lãnh sự quán tại Khố Luân để bảo vệ phái đoàn trở về.[10]

Bộ trưởng của Nga tại Bắc Kinh sau đó được chỉ thị thông báo với triều đình Thanh rằng người Mông Cổ cử một đoàn đến Sankt-Peterburg để phàn nàn về việc người Hán nhập cư, kiến thiết quân đội, và tái tổ chức hành chính. Ông ta nói rằng Nga không thể không lo lắng về những diễn biến này dựa trên việc có biên giới chung với người Khách Nhĩ Khách, và cảnh báo rằng Đại Thanh sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu cảnh báo này bị lờ đi.[11]